Điểm sáng góc (Chợ Cảng – Nhà máy)
Nghiệp đoàn giúp ngư dân yên tâm bám biển
Nghiệp đoàn nghề cá đã tăng thêm sức mạnh về mặt tinh thần cũng như vật chất cho ngư dân, để bà con yên tâm bám biển đánh bắt thủy hải sản và góp phần vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của quê hương.
Các đoàn viên Nghiệp đoàn nghề cá ký tên tham gia tại lễ kết nạp.
Tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, 7 năm qua từ khi Nghiệp đoàn nghề cá (NĐNC) ra đời và đi vào hoạt động đã mang lại hiệu quả tích cực, trở thành điểm tựa vững chắc cho ngư dân.
Tại Quảng Nam hiện có hơn 1.500 tàu thuyền với tổng công suất hơn 103.000 CV, với hàng nghìn đoàn viên NĐNC, trong đó rất nhiều tàu đánh bắt hải sản xa bờ, chủ yếu ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa.
Như tại huyện Núi Thành, nơi có đội tàu thuyền đông nhất tỉnh, đội tàu cá đánh bắt xa bờ ngày càng lớn mạnh, vươn khơi xa hơn.
Trở thanh đoàn viên NĐNC ngư dân ngày càng đánh bắt hải sản hiệu quả.
Theo đó, toàn huyện hiện có 1.595 tàu thuyền, trong đó, có 274 chiếc đăng ký hoạt động thường xuyên trên các vùng biển xa với hơn 4.000 lao động.
Đặc biệt, trong đội tàu đánh bắt xa bờ của huyện Núi Thành có 22 chiếc tàu vỏ thép đều được ngư dân đánh giá cao, ít xảy ra tình trạng hỏng hóc. Ước tính, hằng năm, đội tàu đánh bắt xa bờ Núi Thành khai thác đạt khoảng 28.000 tấn hải sản các loại.
Đội tàu xa bờ tích cực tham gia vào hoạt động bảo vệ quyền, chủ quyền ở các vùng biển đảo của Tổ quốc. Không chỉ có huyện Núi Thành mà các đại phương khác của Quảng Nam đều giữ vững truyền thống bám biển.
Trong khi đó tại Quảng Ngãi nơi có số lượng tàu cá lên đến trên 5.600 chiếc tàu thuyền, trong đó có 1.770 chiếc thường xuyên khai thác thuỷ sản tại các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa và Nhà giàn DK1. Hơn 4 vạn lao động trực tiếp sản xuất trên biển, mỗi năm khai thác trên 100.000 tấn hải sản các loại.
Như xã Bình Chánh được biết đến là nơi có đội tàu hành nghề câu mực ở Trường Sa hùng hậu nhất tỉnh. Toàn xã có hơn 103 chiếc tàu, với hơn 2.000 lao động hành nghề.
Mùa biển năm 2017, ngư dân trong xã đã khai thác được hơn 5.400 tấn hải sản các loại, với giá trị đạt trên 650 tỷ đồng.
Nghề câu mực khơi mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều thuyền viên có thu nhập trên 200 triệu đồng/người/năm…
Có được những kết quả trên, ngoài sự nỗ lực của ngư dân còn phải kể đến sự đồng hành của NĐNC, bởi hành nghề trên biển đối diện với nhiều rủi ro mà khi xảy ra vấn đề gì NĐNC luôn sát cánh cùng ngư dân. Thậm chí kể cả trong đầu tư nâng cấp tàu thuyền.
Có NĐNC ngư dân an tâm bám biển xa khơi.
Sát cánh cùng ngư dân
Nghề đánh bắt thủy hải sản trên biển tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức. Như rủi ro do thiên tai gây ra hoặc tàu lạ bắt giữ, xua đuổi, tấn công, hay máy chết tàu trôi dạt trên biển, hoặc có lúc rủi ro nổ bình gas hay ốm đau và nhiều vấn đề khác không chỉ gây tổn thất to lớn về tài sản mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của ngư dân.
Như tại huyện Núi Thành, theo thống kê, 17 năm qua (2001 – 2017), thiên tai đã làm chìm 15 tàu thuyền, hư hỏng 489 lượt chiếc, làm chết 68 người và mất mát nhiều ngư lưới cụ, trang thiết bị ngư dân. Hay trong thời gian qua, Núi Thành có tới 11 tàu cá xa bờ bị cháy, tổng trị giá thiệt hại gần 30 tỷ đồng.
Tàu ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi còn bị tàu nước ngoài tấn công, làm hư hại tàu thuyền, ngư lưới cụ. Các địa phương khác cũng còn gặp rất nhiều khó khăn trong đánh bắt thủy hải sản nhất là đánh bắt xa khơi. Thế nhưng với sự đồng hành kịp thời của NĐNC và các cơ quan chức năng, ngư dân chúng ta vẫn yên tâm bám biển.
Như NĐNC xã Tam Hải thời gian qua phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức 26 đợt tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Luật Biển Việt Nam cho gần 2.400 lượt đoàn viên ngư dân tham gia.
Không chỉ vậy, NĐNC đã trích kinh phí gần 300 triệu đồng tổ chức thăm hỏi đoàn viên ốm đau, bệnh hiểm nghèo, tai nạn trên biển, các chủ tàu đoàn viên bị tàu nước ngoài tấn công gây thiệt hại, viếng hương đoàn viên ngư dân và xây dựng 5 ngôi nhà cho ngư dân không có nhà ở với số tiền 250 triệu đồng.
Mới đây tại Hội nghị tổng kết hoạt động của NĐNC với sự tham dự của lãnh đạo 12 NĐNC đại diện cho gần 7.000 đoàn viên NĐNC trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã nhận định, qua gần 7 năm đi vào hoạt động, 12 NĐNC đã mang lại hiệu quả, thực sự trở thành điểm tựa vững chắc, tăng thêm sức mạnh cho ngư dân về mặt tinh thần cũng như vật chất, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của quê hương.
Tuy nhiên hoạt động NĐNC cũng có nhiều khó khăn như, thiếu kinh phí thành lập và phát triển đoàn viên nghiệp đoàn; thiếu kinh phí cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch NĐNC không hưởng lương nhà nước; thiếu kinh phí mua sắm trang thiết bị, phương tiện thông tin tàu cá khi bị tàu nước ngoài gây khó…
Cá về từ ngư trường Hoàng Sa của Việt Nam.
Bà Lê Thị Thanh Hồng, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Bình Sơn cho rằng: “Từ khi thành lập đến nay, NĐNC đã có những đóng góp thiết thực, giúp đỡ đoàn viên, ngư dân lúc khó khăn, hoạn nạn, ốm đau, hỗ trợ cải thiện đời sống gia đình, giúp đỡ con em ngư dân vượt khó trong học tập,… Qua đó động viên ngư dân yên tâm bám biển, làm “cột mốc sống” bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Tuy nhiên để tăng thêm sức mạnh, niềm tin của đoàn viên, phải tăng cường hoạt động của các NĐNC, dù rằng kinh phí để thực hiện các hoạt động của NĐNC còn gặp nhiều khó khăn”.
Ông Trần Văn Thanh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Ngãi cho rằng: “Đây là một tổ chức có lực lượng lao động lớn, có ý nghĩa trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, vì vậy chúng tôi sẽ cố gắng hết sức, tạo nguồn kinh phí hỗ trợ hoạt động, giúp NĐNC tỉnh Quảng Ngãi ngày càng vững mạnh”.
Tấn Thành